HTX ‘bắt tay’ doanh nghiệp đưa nông sản hữu cơ sang trời Âu
Hoạt động trên vùng đất đầy cát vàng và gió bạc, HTX điều hữu cơ Truecoop (phường Phước Mỹ, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) đang trở thành một trong những “lá cờ đầu” của việc thúc đẩy sản xuất sạch, hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp để đưa nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới, mở hướng làm giàu cho nông dân
Vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, HTX Truecoop gây ấn tượng mạnh khi chính thức triển khai dự án liên kết với nông dân Ninh Thuận để phát triển vùng nguyên liệu trồng hoa bụp giấm và dứa mật hữu cơ, đồng thời cùng doanh nghiệp ký kết hợp tác, thỏa thuận với mục tiêu đưa các sản phẩm này sang trời Âu.
Mở đường sang thị trường lớn
Hoạt động này nằm trong hành trình “Kiến tạo thế giới xanh bằng nông nghiệp tuần hoàn hữu cơ” của HTX điều hữu cơ Truecoop và các đối tác đã thực hiện trong hơn 6 năm, với nỗ lực xây dựng và phát triển những vườn điều hữu cơ đạt 4.000 ha tại tỉnh Ninh Thuận, kể từ năm 2017.
Dưới tán điều hữu cơ trên những triền đồi, thung lũng mà HTX Truecoop cùng bà con nông dân địa phương canh tác, những cây bụp giấm và cây dứa mật sẽ được ưu tiên trồng xen canh nhằm mục đích tận dụng tốt nhất diện tích đất canh tác, tăng dinh dưỡng và đa dạng sinh học.
Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa 3 bên: HTX (đại diện cho nông dân), nhà thương mại trong nước và quốc tế, và các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX Truecoop đã chủ động bắt tay với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, như Công ty TNHH Viet Haus và Công ty Cha Dô – CHLB Đức, từ đó giải bài toán thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân liên kết.
Việc bắt tay với các doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là một tên tuổi đến từ Đức sẽ giúp HTX Truecoop đưa nông sản tới thị trường Đức, đồng thời mở ra cơ hội để có thêm những “bạn hàng” mới tại châu Âu.
Với chiến lược phát triển bền vững và cam kết cung cấp các sản phẩm nông sản chất lượng cao, HTX Truecoop đã đầu tư mạnh mẽ vào quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm của Truecoop không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Đức mà còn thể hiện được hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu mở rộng thị trường, đại diện HTX Truecoop cũng cho biết thêm lý do cốt lõi khiến HTX chọn bắt tay với các doanh nghiệp trên là bởi triết lý “Người thật, Việc thật” và cách thức làm kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng nông dân, vì mục tiêu chung là cải thiện đời sống của những nông hộ nghèo một cách chuyên nghiệp, có tổ chức và có tính chiến lược lâu dài.
Trước đây, nguồn thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào hạt điều, nay với dự án liên kết trồng hoa bụp giấm và dứa mật hữu cơ, nông dân địa phương sẽ có thêm nguồn thu nhập cải thiện sinh kế hàng ngày và thoát nghèo bền vững.
Được biết, Truecoop và Tổ chức Helvetas Thụy Sĩ đã chọn xã Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận) - một xã có điều kiện kinh tế khó khăn là địa phương trọng điểm khởi đầu, hướng tới mục tiêu góp phần cho đời sống nông dân được cải thiện, giàu có hơn. Từ Ma Nới, thành viên hệ sinh thái Truecoop và các đối tác hướng tới phát triển mở rộng ra toàn tỉnh Ninh Thuận.
“Để xây dựng một vùng nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao và đa dạng sinh học, chúng tôi tiếp tục tìm chọn và mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn để hợp tác”, đại diện HTX Truecoop nhấn mạnh.
Liên kết là “bàn đạp” để phát triển
Thực tế, đây không phải lần đầu, HTX Truecoop gây ấn tượng khi khởi phát một dự án có sự liên kết của 3 bên gồm nhà nông (với HTX là đại diện), doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài.
Truecoop được xem là tâm huyết của ông Trương Thanh Viện - Chủ tịch HĐQT HTX, cùng các cộng sự. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX vẫn theo đuổi đến cùng, quyết tâm sản xuất sản phẩm hạt điều hữu cơ (Organic) theo tiêu chuẩn Mỹ, EU và Thương mại công bằng (Fair Trade).
HTX Truecoop bàn giao giống điều ghép cao sản năng suất cao cho nông dân.
Để chọn Ninh Thuận là điểm dừng chân phát triển ý tưởng, ông Trương Thanh Viện đã lặn lội khảo sát tại 7 tỉnh thành, và nhận ra vùng đất "đầy nắng vàng, đầy gió bạc" này phù hợp hơn cả.
Ông chia sẻ, bên cạnh những nỗ lực của mình và những người nông dân, “vận may” lớn nhất của ông là gặp được lãnh đạo tỉnh là người có hiểu biết và tâm đắc với hạt điều, đã sẵn sàng lắng nghe và đồng hành với mô hình này của Truecoop.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đặt ra mục tiêu đẩy mạnh liên kết 3 nhà, là nhà Doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà nông. Hiện, đơn vị đang liên kết khoảng 2.166 hội viên là người nông dân với gần 4.000ha đất trồng điều.
Trước dự án trồng hoa bụp giấm và dứa mật hữu cơ, HTX cũng đã phối hợp với UBND các huyện thực hiện ký hợp đồng liên kết với nông dân trồng điều hữu cơ thuộc “Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025”. Đây là dự án mang tính thiết thực, phù hợp với sự chỉ đạo của các huyện, cũng là cơ hội để HTX được làm việc trực tiếp với từng hộ dân, hướng dẫn họ trồng và chăm sóc cây điều hiệu quả.
Thành công khởi đầu của Truecoop có thể nói hoàn toàn nhờ vào việc dựa trên những giải pháp toàn diện và bền vững. Truecoop đã tiến hành quy hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung tại toàn tỉnh Ninh Thuận với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thay vì có sản phẩm rồi tìm cách bán cho người tiêu dùng như lối cũ, Truecoop đã xác định rõ nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm cụ thể thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị nhằm phát triển bền vững, hiệu quả.
Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng cụ thể về sản phẩm, chất lượng, khối lượng, mẫu mã, giá cả,… HTX Truecoop đã tổ chức lại sản xuất canh tác để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Đây có thể xem là cách thức cốt lõi quyết định thành bại của sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
“Trong 10 năm tới, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thị trường, phân tích các lợi thế về sinh thái, thổ nhưỡng tại Ninh Thuận, HTX Truecoop hướng tới xây dựng dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ mở rộng toàn tỉnh, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất phục vụ cung cấp các sản phẩm điều, dứa mật và bụp giấm hữu cơ quy mô lớn”, ông Viện thông tin.
Cùng với đó, HXT tiếp tục tập trung vào đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm vùng trồng hữu cơ. Truecoop và Tổ chức Helvetas Thụy Sĩ đang nghiên cứu cách thức phục hồi nâng cao chất lượng đất đai tại địa phương, cách bảo tồn và khai thác hệ sinh thái tự nhiên để góp phần vào sự thành công của hệ sinh thái Truecoop và nông dân địa phương trong thời gian 30 năm, 50 năm và lâu hơn nữa.
Bài viết liên quan
- Thông tin ngành Điều Việt Nam 3 tháng đâu năm 2018
- 300.000 CÂY GIỐNG DỨA MẬT ĐÃ ĐƯỢC HTX ĐIỀU HỮU CƠ TRUECOOP TRỒNG TẠI MA NỚI (NINH SƠN, NINH THUẬN) THEO PHƯƠNG PHÁP CANH TÁC HỮU CƠ.
- Hà Lan: Nông dân 4.0 'trỗi dậy' để được... lắng nghe
- Dự án vườn ươm 1 triệu cây giống Thơm (khóm) Truecoop
- Loại ấu trùng năm nào cũng có nhưng chưa bao giờ hết 'hot'